Có bao giờ bạn khao khát muốn mình người yêu có thể cảm thấy gắn kết hơn ngay cả khi hai người đang ở bên nhau không?
Có bao giờ bạn khao khát muốn mình người yêu có thể cảm thấy gắn kết hơn ngay cả khi hai người đang ở bên nhau không? Hoặc, có bao giờ bạn tưởng tượng mình tạm rời xa người yêu, ước gì mình có thể tránh mặt họ một thời gian không? Trong hầu hết các mối quan hệ, một bên sẽ muốn được gần gũi nhiều hơn, còn một bên sẽ có muốn giữ khoảng cách nhiều hơn. Nếu bạn đang yêu, đây là một câu hỏi thú vị mà bạn cần đặt ra cho bản thân. Bạn thuộc kiểu người nào? Bạn muốn mối quan hệ của mình trở nên gần gũi hơn? Hay bạn cảm thấy người yêu quá gần mình và khiến mình không thoải mái? Nếu muốn gần gũi người yêu hơn, bạn sẽ làm điều đó như thế nào? Nếu thích giữ khoảng cách hơn, bạn sẽ cố gắng làm gì? Cuối cùng và quan trọng hơn hết, những phương pháp đó có hiệu quả với bạn không?

Hầu hết các cặp đôi đều gặp phải tình huống “người thì ra sức theo đuổi, kẻ thì cứ liên tục né tránh” – tạo ra giữa họ một khoảng cách nhất định. Ở đây, tôi không có ý nói đến kiểu khoảng cách tích cực, một mức độ tự chủ hoặc độc lập tự nhiên cần có, mà tôi đang nói về một rào cản khiến mọi người cảm thấy không thỏa mãn bất kể họ thuộc về bên nào. Trong các mối quan hệ, thường thì sẽ có một người muốn được gần gũi về mặt cảm xúc hơn. Tiến sĩ Les Greenberg, người đã phát triển Liệu Pháp Tập Trung Vào Cảm Xúc, miêu tả tình trạng này là một người làm người “theo đuổi” và người kia làm người “giữ khoảng cách” trong mối quan hệ.
Trong một mối quan hệ, hầu hết chúng ta sẽ thuộc về một trong hai phía và nhiều người trong chúng ta từng ở cả hai phía. Thường thì những người có khuynh hướng cảm thấy bị xâm phạm và muốn có không gian riêng sẽ có tiếng nói bên trong dẫn dắt họ lùi lại: “Anh ấy ngày càng đeo dính lấy mình. Mối quan hệ diễn tiến quá nhanh.” “Cô ấy kỳ vọng ở mình quá nhiều. Mình thấy thật bức bối.” Những người cảm thấy không an toàn và thiếu thốn tình cảm sẽ thường nghe thấy tiếng nói thúc đẩy họ trở nên “nhiệt tình” hơn: “Tại sao anh ấy không muốn dành thời gian ở bên cạnh mình? Mình nên đảm bảo rằng anh ấy thật sự quan tâm đến mình.” “Làm sao mình có thể khiến cô ấy thích mình hơn? Mình phải khiến cô ấy chỉ yêu mỗi mình mình mà thôi.” Tình trạng kẻ theo đuổi-người né tránh mà trong đó một người muốn nhiều hơn còn người kia muốn ít hơn có thể tạo ra một khoảng cách nhất định về mặt cảm xúc giữa cặp đôi.
Mối quan hệ người giữ khoảng cách/người theo đuổi có thể dẫn đến sự thiếu bình đẳng giữa họ. Người giữ khoảng cách thường có nhiều quyền hơn, tức là họ có thể từ chối tình cảm, tránh sự thân mật hoặc kiểm soát mức độ mà đối phương có thể gần gũi họ. Việc này có thể khiến cho đối phương cảm thấy chán nản, ngày càng thất vọng, đeo dính, hoặc cố đáp ứng nhu cầu của mình bằng mọi cách. Cả hai sẽ bắt đầu có những hành vi khiến mức độ phản ứng theo đuổi-né tránh của nhau thêm trầm trọng. Người giữ khoảng cách có thể từ chối, lạnh nhạt, hoặc không quan tâm, làm cho người theo đuổi ngày càng cảm thấy tuyệt vọng. Người theo đuổi có thể bắt đầu lấn át, trừng phạt, hoặc cảm thấy bất an, khiến người giữ khoảng cách càng thêm hờ hững. Những mô thức hành vi kỳ quặc này tạo ra vòng lặp tai hại, trong đó chẳng ai có thể gần gũi với ai.
Những lý do khiến mọi người rơi vào các xu hướng này thường liên quan nhiều đến các mối quan hệ đầu đời của họ. Những mô thức gắn bó mà ta hình thành với những người chăm sóc chính của mình từ những năm đầu đời sẽ đại diện cho mô thức mà ta kỳ vọng mình có được ở các mối quan hệ hiện tại. Ví dụ, nếu ta có một người cha/người mẹ không phải lúc nào cũng ở bên ta, lúc thì đáp ứng nhu cầu của ta nhưng lúc thì từ chối ta hoặc bỏ bê nhu cầu cảm xúc của ta, ta có thể hình thành mô thức gắn bó lo lắng, cảm thấy mình phải chủ động làm cho cha/mẹ chú ý đến mình và đáp ứng các nhu cầu của mình. Khi trưởng thành, ta có thể luôn cảm thấy thèm khát, bất an hoặc cần đeo dính về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ. Có thể ta mong đợi một người yêu lãng mạn để “thỏa mãn” hoặc “giải cứu” mình, làm mình cảm thấy an tâm. Cảm giác bất an này có thể khiến ta có hành vi chiếm hữu, ích kỷ, kiểm soát hoặc tự ti. Dù ta muốn gần gũi với người yêu hơn, nhưng những hành vi này của ta lại thường đẩy họ ra xa ta hơn.
Nếu ta có một người cha/người mẹ xa cách, không ở bên ta hoặc không hiểu ta, ta có thể từ bỏ những nhu cầu của bản thân vì việc không được đáp ứng những nhu cầu đó làm ta cảm thấy rất chán nản và đau khổ. Ta hành động như thể mình không cần gì từ người khác và xem thường những người yêu quý mình. Trong trường hợp này, ta có thể đã hình thành mô thức gắn bó né tránh khi còn nhỏ. Mô thức này có thể khiến ta có thói quen gắn bó hời hợt trong các mối quan hệ khi trưởng thành. Ta có thể có khuynh hướng giữ khoảng cách với đối phương, muốn được ở một mình hoặc giả vờ muốn được độc lập. Ta có thể quá tập trung vào bản thân và chăm chăm đáp ứng các nhu cầu của riêng mình. Đối phương có thể nghĩ ta là người lạnh nhạt. Ta có thể tránh những hành vi thân mật nhất định hoặc tỏ vẻ hờ hững, khiến đối phương cảm thấy xa cách hoặc chán nản.
Rất dễ thấy rằng các mô thức gắn bó có thể ảnh hưởng đến khoảng cách mà ta tạo ra trong mối quan hệ yêu đương và việc ta chấp nhận thân mật với người yêu đến mức nào. Trong quá trình lớn lên, ta hình thành những nỗi sợ và cơ chế phòng thủ tạo cho ta khoảng cách “an toàn” nhưng đồng thời cũng làm ta chán nản, bực bội. Đó thường là lý do vì sao ngay cả khi tình hình thay đổi và người giữ khoảng cách bắt đầu tìm kiếm sự gần gũi, người theo đuổi thường sẽ lùi lại và hai bên có vẻ sẽ đổi vai trò cho nhau.
Ví dụ, một người đàn ông mà tôi đã điều trị trong nhiều năm gặp khó khăn trong việc ở gần bạn gái. Mặc dù thích chia sẻ về cuộc sống của mình với cô ấy theo nhiều cách, nhưng anh cũng cảm thấy bực bội khi cô chất vấn anh về chuyện anh làm việc quá nhiều hoặc phàn nàn rằng anh không dành đủ thời gian để vui với cô. Anh cảm thấy như bị lấn át khi cô cố thuyết phục anh ra ngoài chơi hoặc kết tội là anh xa cách và không ở bên cô. Sau một thời gian, bạn gái anh ngừng cằn nhằn và bắt đầu độc lập hơn. Cô kết bạn với một số người mới và thậm chí còn thực hiện những chuyến đi ngắn ngày mà không có anh. Ngay lập tức, anh chàng bắt đầu cảm thấy bất an và thất vọng vì bạn gái không chú ý đến mình. Phản ứng của cô là cô cảm thấy bị kiểm soát, bị lấn át và trở nên xa cách anh. Mặc dù tình hình đã đảo ngược, nhưng giữa hai người vẫn tồn tại cũng khoảng cách tuy quen thuộc và “an toàn” nhưng rắc rối đó.
Dù thuộc về bên nào, là người theo đuổi hay người né tránh, ta đều có xu hướng đổ lỗi cho đối phương. “Cô ấy luôn giữ khoảng cách với tôi. Tôi hầu như không thể làm cô ấy chú ý đến mình.” “Anh ấy cứ đeo dính tôi và suốt ngày cứ cằn nhằn làm tôi hết chịu nổi.” Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ta làm theo lời khuyên của Tiến sĩ Greenberg và ngừng đổ lỗi cho nhau, mà thay vào đó là đổ lỗi cho chính vòng lặp này? Sự thật là cả hai bên đều có những hành vi tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ. Dù đó là la hét, cản trở, kìm nén hay lấn át, ta đều thường thực hiện những hành vi này và ta nghĩ là nó sẽ giúp giải quyết vấn đề, nhưng trớ trêu thay, đó lại là những hành vi làm vấn đề thêm trầm trọng.
Vì cả hai người đều làm những việc duy trì vòng lặp, mỗi người nên tự hỏi mình có thể thay đổi bản thân như thế nào trong mối quan hệ này. Ta có thể nói chuyện cởi mở về vòng lặp này với đối phương mà không đổ lỗi cho nhau. Ta có thể bắt đầu chú ý đến cách vòng lặp hoạt động. Mình có thể làm gì trước khi anh ấy/cô ấy làm điều mình không thích? Mình có nên cằn nhằn thay vì trực tiếp nói ra điều mình mong muốn? Giọng mình nghe ấm áp và lôi cuốn hay khó chịu và đay nghiến? Mình có cố ý tránh giao tiếp ánh mắt hay các cử chỉ yêu thương không? Mình có tránh ở một mình với vợ/chồng mình không? Nếu thể hiện sự hiếu kỳ và cởi mở, ta thật sự có thể nhận ra vòng lặp và các mô thức của mình cả trong xu hướng theo đuổi lẫn né tránh đối phương.
Ta cũng có thể chú ý đến lối tư duy dẫn dắt hoặc “tiếng nói chỉ trích bên trong” đang bảo ta rằng hành vi tiêu cực nào đó sẽ giải quyết được vấn đề. “Mình nên phớt lờ anh ta. Chỉ có làm vậy thì anh ta mới cho mình điều mình muốn.” “Mình sẽ chỉ gọi cho cô ấy thêm một lần nữa thôi. Mình cần biết cô ấy đang làm gì.” “Nếu cô ấy không còn yêu mình nữa thì sao?” Sau đó, ta có thể cưỡng lại các thôi thúc này và không thực hiện những hành vi duy trì vòng lặp. Ví dụ, nếu có xu hướng là người theo đuổi, ta có thể cố gắng bớt dốc sức làm mọi việc (như lên lịch hẹn, tìm kiếm sự trấn an, phàn nàn, hoặc gọi điện và nhắn tin liên tục). Ta có thể sẽ thấy đối phương bắt đầu theo đuổi ta, cảm thấy thoải mái hơn và bị ta thu hút. Nếu là người thường né tránh, ta có thể nỗ lực theo đuổi đối phương (ví dụ, dành thời gian, bày tỏ tình cảm, thể hiện sự quan tâm đến suy nghĩ và cảm nhận của họ). Bằng việc thể hiện nhiều hơn, đối phương rất có thể sẽ cảm thấy an tâm, thoải mái hơn và ít có khuynh hướng đeo dính hay lấn át ta.
Khi nỗ lực phá vỡ bất kỳ mô thức nào của mình, ta nên luôn yêu thương bản thân và đối phương. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều yêu thương họ chân thành, muốn hòa hợp và cùng nhau tìm được một mức độ gần gũi làm cho cả hai bên đều thấy thỏa mãn.
bài viết được lấy từ nguồn tamly.blog